LỊCH SỬ HÌNH THÀNH
Nhà thờ Domain De Marie nằm trong khu Lam Sơn, được xây dựng từ năm 1940 đến năm 1944 do phu nhân toàn quyền Jean Decoux đứng ra quyên góp của nhiều giáo dân. Tên gọi Domain De Marie có nghĩa là “lãnh địa của Đức Bà”.
GIỚI THIỆU NHÀ THỜ DOMAIN DE MARIE ĐÀ LẠT
Nhà thờ Domaine de Marie, hay Lãnh địa Đức Bà, hay còn gọi là Nhà thờ Mai Anh (vì nằm trên ngọn đồi có nhiều hoa anh đào - đồi Mai Anh) là một cụm kiến trúc bao gồm nhà nguyện và hai dãy nhà của tu viện nữ tử Bác Ái Thánh Vinh Sơn (Filles de la charité de saint Vincent de Paule) - một tu hội nữ tu có mặt tại Việt Nam từ năm 1928.
Nhà thờ được thiết kế xây dựng theo phong cách Châu Âu thế kỉ XVII, lối kiến trúc độc đáo hơn bất cứ nhà thờ nào khác ở Đà Lạt bởi được xây dựng bằng một chất kết dính là vôi, mật mía, tường xây bằng đá chẻ tới ngang bệ cửa sổ và một số vật phụ gia khác.
Nhà Thờ Domaine de Marie - Domaine de Marie Church
THAM QUAN NHÀ THỜ DOMAIN DE MARIE
Nét đặc sắc của nhà thờ Domain de Marie là không có tháp chuông, và hệ thống chiếu sáng của nhà thờ được làm bằng những khung kính màu. Điểm đặc biệt nhất là hệ thống mái, có hình dáng tựa như nhà rông của đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Toàn bộ nhà thờ luôn được quét vôi màu hồng đậm, tôn lên sự uy nghiêm của một công trình tôn giáo và dưới ánh nắng sớm nhà thờ như sáng rực hẳn lên.
Thánh đường Domain de Marie (nhà thờ Mai Anh)
Trong nhà thờ có bức tượng Đức Mẹ đứng trên quả địa cầu được tạc theo hình mẫu của phụ nữ Việt Nam, do Jonchère – một kiến trúc sư người Pháp thiết kế. Vào khuôn viên nhà thờ bạn có thể thấy rất nhiều loại hoa, đặc biệt là hoa Hải Tiên.
Dãy nhà bên trong dòng có kiến trúc 2 tầng vô cùng đẹp mắt.
Phía sau nhà thờ là một quần thể kiến trúc được thiết kế theo kiểu hiện đại với ba dãy nhà 3 tầng của Dòng Nữ tu Bác Ái, bao quanh vườn trong (patio), tường quét vôi màu vàng, mái lợp ngói đỏ. Chính điều đó làm tăng thêm vẻ uy nghiêm, đồ sộ và hấp dẫn cho quần thể kiến trúc này.
Hoa viên trong nhà thờ
Đây là một công trình kiến trúc độc đáo vừa mang hình thức kiến trúc Châu Âu thế kỷ XVII, vừa mang dáng dấp của kiến trúc truyền thống tại địa phương và đã được thể hiện với vật liệu hoàn toàn của Việt Nam.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét